Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Nhiều nội dung quan trọng được giải trình tại Kỳ họp thứ Hai mươi ba, HĐND tỉnh khóa XIV

2024-12-10 12:07:00.0

Quang cảnh Phiên giải trình

Dự Phiên họp có đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy; các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV.

Chủ tọa Kỳ họp

Mở đầu Phiên họp, Tổ Thư ký Kỳ họp trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến tại 4 tổ thảo luận diễn ra chiều ngày 9/12. Với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, dân chủ và trí tuệ, đã có 72 lượt ý kiến thảo luận về các nội dung của Kỳ họp (trong đó có 35 ý kiến phát biểu trực tiếp và 37 ý kiến bằng văn bản). Các đại biểu HĐND tỉnh tán thành, nhất trí cao đối với các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp và thống nhất nhận định các nghị quyết được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để UBND tỉnh, các cấp, các ngành chủ động huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình

Mở đầu Phiên giải trình, đồng chí Hà Văn Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình về nguyên nhân 5/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 không đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, do tỉnh Thái Nguyên là địa phương có độ mở kinh tế rất lớn, chịu nhiều ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế, thương mại quốc tế không thuận lợi; nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chủ chốt phục hồi chậm; cạnh tranh thương mại, bảo hộ thương mại gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dẫn đến các chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người không đạt do chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, trong tháng 9, Thái Nguyên chịu tác động nặng nề của bão số 3 nên đã ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực. Đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu 4 nhóm giải pháp đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025, nhất là các chỉ tiêu về GRDP đạt 8,5%, thu ngân sách nhà nước 23.600 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng/người/năm. Sau khi nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phân công, chỉ đạo, điều hành để các đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, tập trung thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt để tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tạo động lực tăng trưởng mới; tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác quản lý thu, chi ngân sách, nhất là chống thất thu; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là dự án khu dân cư, khu đô thị; đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai để thu hút nhà đầu tư mới.

Các đại biểu dự Phiên giải trình

Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và vốn chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn sự nghiệp và vốn đầu tư) đạt thấp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn gặp một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc như: Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật của Trung ương chậm ban hành, chưa đồng bộ; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp khó khăn do có sự thay đổi của Luật Đất đai, chưa đáp ứng được tiến độ thi công một số dự án; một số dự án chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, đánh giá tác động môi trường; một số chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu nhà thầu thi công theo đúng tiến độ; diễn biến bất thường của thời tiết khiến nhiều dự án phải tạm dừng thi công; các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ giải ngân thấp do không còn đối tượng thực hiện.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công thời gian còn lại của năm 2024 và năm 2025, trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các công trình, dự án để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết các tồn tại, bất cập; tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục lập, thẩm định dự án và thủ tục về quy hoạch, đất đai…

Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình

Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình về khả năng và đề xuất giải pháp hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 từ 0,8% trở lên. Theo đó, căn cứ chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đã đề ra (giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1%/năm trở lên theo chuẩn nghèo mới); từ kết quả trong 3 năm (2022 - 2024) tỷ lệ giảm hộ nghèo của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch (tỷ lệ giảm bình quân hằng năm là 1,37%), để đảm bảo tính khả thi và phù hợp tình hình thực tiễn của các địa phương, ngày 8/12/2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 theo chuẩn nghèo mới từ 0,8% xuống còn 0,5%. Việc điều chỉnh vẫn đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đề ra (bình quân 05 năm là 1,05%, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết). Về các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2025, cần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; tập trung hỗ trợ giải quyết các chiều thiếu hụt cho hộ nghèo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm; ưu tiên nâng cao năng lực số cho người lao động; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập…

Liên quan đến việc triển khai thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình: Qua rà soát, toàn tỉnh có 1.838 hộ có nhà tạm, nhà dột nát. Số hộ đã được hỗ trợ từ các chương trình, đề án, dự án và nguồn xã hội hóa là 832 hộ (dự kiến có 525 hộ hoàn thành trước ngày 31/12/2024; 261 hộ hoàn thành trước ngày 31/3/2025; 46 hộ hoàn thành trước ngày 30/6/2025). Có 64 hộ các địa phương tự chủ động kinh phí (hoàn thành trước ngày 31/12/2024); 591 hộ đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí trên 28 tỷ đồng (trong đó 191 hộ đủ điều để triển khai thực hiện hoàn thành trước ngày 31/3/2025; 400 hộ có nhu cầu, chưa đủ điều kiện để triển khai nhưng có giải pháp để thực hiện, hoàn thành trước ngày 30/6/2025); ngoài ra còn 351 hộ không đủ điều kiện hỗ trợ.

Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế giải trình 

Giải trình về khả năng và giải pháp hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX giao đến năm 2025 là 98,5%, đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết, đây là một chỉ tiêu cao và khó đạt được do các nguyên nhân: Tỉnh Thái Nguyên có 72 xã ra khỏi vùng III, II và các xã đạt chuẩn nông thôn mới, người dân thuộc các vùng này không được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, tương đương 19,13% dân số. Năm 2024, những nhóm người tham gia không bền vững BHYT giảm mạnh; ngoài ra, do tăng mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở cùng với số người vừa thoát nghèo hoặc cận nghèo chưa tham gia lại; số lao động của các công ty có xu hướng giảm mạnh; còn một bộ phận người dân còn chủ quan, chưa quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân nên chưa tham gia BHYT…. Với tình hình thực tế như hiện nay thì năm 2025 sẽ khó đạt được chỉ tiêu bao phủ BHYT. Đồng chí Giám đốc Sở Y tế cũng đề xuất một số giải pháp để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Bùi Huy Toàn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh giải trình 

Về kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, đồng chí Bùi Huy Toàn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: Trong năm 2024, Cục Thi hành án dân sự đã tích cực đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn áp dụng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể để tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng. Mặc dù kết quả đạt được so với cùng kỳ năm 2023 tăng cả tỷ lệ về việc, về tiền và đạt cao hơn so với toàn quốc (đạt tỷ lệ 23,13% về việc, 25,01% về tiền) song vẫn thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng đặt ra. Nguyên nhân là do lượng việc và tiền loại án này tiếp tục tăng cao, trong đó số lượng vụ việc theo đơn yêu cầu nhưng không có tài sản thế chấp cao hơn so với năm 2023; việc xác minh hiện trạng tài sản, cưỡng chế kê biên, xử lý bán đấu giá tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; người phải thi hành án còn chây ì, chống đối quyết liệt; công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng có lúc chưa chặt chẽ, tích cực…

Ngoài ra, đại diện các sở, ngành cũng giải trình về phương án bố trí vốn đối với các dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao vốn; các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện phòng chống lãng phí trong năm 2025 và những năm tiếp theo; giải pháp để thực hiện mục tiêu năm 2025 tỷ số giới tính khi sinh là 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái…

Ngay sau Phiên giải trình, các đại biểu thực hiện Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Cổng Thông tin điện tử tỉnh tiếp tục thông tin về nội dung Kỳ họp.

 

Kim Oanh - Đình Sơn
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 5024483