Phú Bình quan tâm phát triển sản phẩm OCOP
23-11-2024 20:43
Nhằm phát huy những lợi thế của địa phương và triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Phú Bình thực hiện nhiều giải pháp nhằm động viên các chủ thể, hộ kinh doanh, hợp tác xã chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm. Qua đó từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của nhân dân.
Anh Hoàng Văn Hoan (chủ cơ sở chế biến cao ngựa bạch Hoan Hoa, ở xóm Phẩm 1, xã Dương Thành, Phú Bình) giới thiệu với khách hàng về sản phẩm cao ngựa bạch đạt OCOP 3 sao. |
Đồng chí Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Bình, nhấn mạnh: Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã phát triển được nhiều sản phẩm OCOP chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường. Trong quá trình thực hiện, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP một cách thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin, chương trình tập huấn và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới...
Cùng với đó, huyện tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức tập huấn cho các chủ thể OCOP về chuyển đổi số, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, các kỹ năng về quản trị, marketing bán hàng, kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng đối với các sản phẩm từ khu vực nông thôn...
Anh Hoàng Văn Hoan, chủ cơ sở chế biến cao ngựa bạch Hoan Hoa (ở xóm Phẩm 1, xã Dương Thành), cho biết: Cơ sở của tôi có một sản phẩm cao ngựa bạch được công nhận OCOP hạng 3 sao. Qua tham gia các lớp tập huấn do tỉnh, huyện tổ chức, tôi xác định khi sản phẩm được gắn sao OCOP càng phải quan tâm hơn đến chất lượng và thị trường tiêu thụ. Vậy nên, ngoài kênh mạng xã hội, chúng tôi còn mở rộng việc phân phối bằng cách trực tiếp đưa sản phẩm đi quảng bá, giới thiệu ở các gian hàng, hội chợ.
Không chỉ chú trọng các nội dung trên, huyện Phú Bình còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong OCOP. Trong đó, huyện đã thực hiện số hóa quy trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên phần mềm; số hóa sản phẩm và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến...
Huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, quảng bá, giới thiệu; gắn sản phẩm OCOP với các sản phẩm quà tặng, quà biếu...
Với việc triển khai hiệu quả các giải pháp, huyện Phú Bình hiện đã có 33 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 1 sản phẩm cao ngựa bạch Trường Nguyên được công nhận đạt OCOP 4 sao, còn lại là 3 sao. Qua theo dõi, đánh giá của huyện, đa số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đều phát huy được lợi thế để phát triển, mở rộng thị trường; doanh tăng từ 13-300% so với thời điểm trước khi được công nhận OCOP.
Việc bố trí, sắp xếp, tổ chức sản xuất cũng được các chủ thể quan tâm, chú trọng phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo theo quy định. Từ đó tạo tiền đề mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người sử dụng.
Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cấp chất lượng các sản phẩm đã tham gia Chương trình OCOP, được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; rà soát tiềm năng, thế mạnh của địa phương để gửi đăng ký khảo sát, lựa chọn sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng; đề xuất với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tổ chức tập huấn về Chương trình OCOP...