Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Bảo vệ rừng để giữ “lá phổi xanh”

2022-08-18 08:20:00.0

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh cùng với người dân tra cứu bản đồ rừng đặc dụng.

Tham gia cùng đội tuần tra của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh làm nhiệm vụ ở khu vực bên sườn núi Khau Nao vào một ngày trung tuần tháng Tám, chúng tôi nhận thấy, mặc dù địa hình hiểm trở khiến việc đi tuần gặp khó khăn nhưng các anh, chị không quản ngại việc băng rừng, lội suối.

Anh Hà Mậu Hiệp, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 - Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, thông tin: Đây là dãy núi có độ cao 886m so với mực nước biển, thuộc địa bàn 3 xã: Vũ Chấn, Nghinh Tường và Sảng Mộc của huyện Võ Nhai. Trên núi hiện vẫn còn một số loài cây quý hiếm, như: Thông tre, Táu mật, Sến, Lan kim tuyến… Để bảo vệ rừng, chúng tôi luôn bám sát địa bàn được phân công, tăng cường công tác tuần tra; đồng thời, phối hợp với các tổ quản lý, bảo vệ rừng thôn, xóm và bà con nhân dân để giữ rừng tận gốc.  

Anh Ma Văn Đô, Trưởng xóm cũng là Tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc, chia sẻ: Xóm tôi có 60 hộ, chia làm 4 tổ, mỗi tổ có 15 thành viên, tham gia nhận khoán và bảo vệ rừng với diện tích hơn 610ha. Với mỗi héc-ta rừng, xóm nhận được tiền hỗ trợ 400 nghìn đồng/năm. Số tiền này, chúng tôi sử dụng làm quỹ chung để tiếp tục bảo vệ và phát riển rừng của xóm. Chúng tôi nhận thấy, việc nhận khoán bảo vệ rừng không những góp phần bảo vệ nguồn nước, môi trường mà gắn với quyền lợi, trách nhiệm của từng người dân.

Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh tuần tra trên núi Khau Nao, thuộc địa phận xã Sảng Mộc (Võ Nhai).

Nói về công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn, ông Triệu Trung Tiên, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc, cho biết: Trên địa bàn xã có gần 2.900ha rừng đặc dụng. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức các cuộc họp lồng ghép nội dung tuyên truyền đến các xóm về vấn đề nâng cao ý thức bảo vệ rừng đầu nguồn. Cùng với đó, xã tổ chức ký cam kết với các xóm trong việc giữ rừng và công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh khi có vụ việc vi phạm xảy ra.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, giáp ranh với 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Khu rừng có hệ sinh thái rừng núi đá với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng hệ thống hang động độc đáo, nhiều di tích lịch sử - khảo cổ học. Bao phủ quanh khu rừng là hệ thực vật tự nhiên phong phú và đa dạng. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều loài động vật, trong đó có một số loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, thuộc đối tượng phải bảo tồn và phát triển. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng luôn được Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Trong 2 năm qua (2021-2022), Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đã tổ chức 740 buổi tuần tra, kiểm tra, truy quét với hơn 3.450 lượt người tham gia; lập biên bản xử lý 19 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Cùng với đó, xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng sát với tình hình thực tế, chủ động sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng.

Ngoài ra, Ban còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn có rừng đặc dụng tổ chức được 34 buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học cho trên 1.500 lượt người tham gia; tổ chức 2 đợt tuyên truyền tại 2 trường học trên địa bàn với 450 lượt học sinh tham gia...

Nhằm hỗ trợ người dân trong vùng đệm có thêm sinh kế, ổn định cuộc sống, trong năm 2020 và 2021, Ban đã triển khai hỗ trợ 2 mô hình trồng cây dược liệu, với tổng diện tích 12ha, có 16 hộ với 85 người dân tộc thiểu số tham gia và hưởng lợi. Việc thực hiện các mô hình trồng cây dược liệu đã giúp mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, Ban còn tổ chức giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, thôn, xóm; hỗ trợ cho 56 lượt thôn, bản với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. 

Nhờ tổ chức quản lý, bảo vệ hiệu quả của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên và bà con nhân dân, nên hệ sinh thái động, thực vật của Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng càng ngày đa dạng, phong phú. Trong số đó, có 87 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm; có 37 loài trong Sách đỏ Việt Nam; 8 loài trong sách đỏ Thế giới cùng nhiều loài động vật quý, hiếm hiện đang được bảo vệ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn khó khăn, như: Một số diện tích đất ở của người dân đã quy hoạch chồng lấn vào đất rừng đặc dụng; địa bàn quản lý rộng trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mỏng; hiện chưa có kinh phí hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng của Ban Quản lý và các lực lượng phối hợp…

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Nguyễn Văn Tuyên, cho hay: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và bà con nhân dân nhằm bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc giữ rừng, không xâm hại tài nguyên rừng, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.


baothainguyen.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 5017008